Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

CUOC SONG HANG NGAY CUA BAC HO


Bác tự chọn chỗ ở ngay trong buồng người thợ điện từ 1954 - 1958। Căn phòng chỉ hơn mười mét vuông, nền lát xi-măng, có một giường đơn, một tủ nhỏ, bàn ghế đơn giản. Bác chỉ nằm chiếu trơn, gối trơn, chăn đơn. Bác bảo: Như thế này là "phong lưu" lắm rồi.

Bác hay dùng từ này. Bác không đồng ý lắp máy điều hòa không khí và yêu cầu lắp ở bệnh viện cho người ốm nặng. Từ 1958, Bác mới ở nhà sàn, cách phòng ở cũ không xa. Gỗ làm nhà chỉ là gỗ nhóm 3 vì sợ làm gỗ tốt Bác không chịu ở, chưa kịp làm bếp và phải sáu năm sau mới chuyển lại. Ðến bữa ăn, Bác không cho mang cơm sang, mà Bác đi lối mòn mưa rét đi ăn cơm. Bác bảo: "Người đi đến bữa cơm, không phải bữa cơm đi đến với người".

Phòng làm việc cũng đơn giản. Suốt bốn mùa, Bác toàn ở ngoài hành lang làm việc. Bác thích nhất là hoa dạ hương, hoa mộc nhỏ cánh trắng, hoa nhài (thơ Tố Hữu đã có nói đến) và cây vú sữa. Cây vú sữa trồng từ 1954. Năm 1958, Bác bảo bứng sang trồng trước nhà sàn cho Bác, nay đã tốt rườm rà.

Khách nước ngoài, bạn bè, đồng chí đến thăm nơi Bác ở tại Việt Bắc hồi kháng chiến, cả mấy tướng lĩnh Trung Quốc sang thăm Bác đều ôm Bác khóc khi thấy Bác chỉ áo nâu, quần đùi ngồi đọc sách... Họ bảo: Lãnh tụ thế này thì nhân dân Việt Nam nhất định thắng.

Hồi kháng chiến chống Mỹ, Trung ương có làm hầm cho Bác nhưng Bác không ở. Bác bảo để chỗ đó cho các đồng chí Trung ương họp trú. Bác bảo xin một mũ quân sự làm mũ phòng không. Bản thân Bác không thích dùng quạt máy mà Bác dùng quạt giấy.

Chiếc quạt Bác dùng đã hơn mười năm, mỗi lần gãy nan, Bác lại buộc. Ðến lần thứ tư Bác xin băng dính của y tá buộc lại. Chiếc quạt nay vẫn còn trong bảo tàng Hồ Chí Minh. Cái quạt lá gồi vẫn còn cho đến khi Bác mất. Cái áo bông Bác đã vá lại ba lần, nay còn trong bảo tàng.

Bác cũng không dùng lò sưởi điện ngoài lúc tiếp khách. Bác cho quay hướng lò sưởi điện về chỗ đồng chí công an gác. Một lần vào lúc 7 giờ sáng, Bác đi qua khu nhà ủy ban bên đường Phan Ðình Phùng thấy đèn còn sáng, Bác bảo tắt điện, chờ điện tắt rồi mới cho đánh xe đi.

Bác trồng cam Xã Ðoài, bưởi, một số cây rau thơm, ớt, hàng râm bụt, bốn, năm cây dừa. Bác tự trồng cam, tự lấy quả để biếu cho các đồng chí khi họp cuối năm và chia đều cho mọi người.

Ðàn cá rô-phi, cứ 5 giờ chiều lại nhớ Bác cho ăn thành quen. Bác dùng cá trong hồ làm quà tặng cả các đồng chí nước ngoài, biếu các đồng chí Triều Tiên. Mỗi khi đi vắng, Bác dặn anh em phục vụ ở nhà nhớ cho cá ăn.

Thói quen ăn uống của Bác khá đặc biệt, có tổ chức, dứt khoát, nghiêm chỉnh với chính mình. Sáng ba bát, chiều hai bát hoặc thêm một thìa là đủ.

Dù ốm hay là lúc ngon miệng nhất, Bác cũng không ăn quá. Bác thích những món ăn dân tộc: quả cà Nghệ, chanh, ớt, rau thơm. Bác ăn độn như mọi người, anh em bảo Bác đã có tuổi nên ăn sao cho đủ sức khỏe, Bác vẫn không nghe.

Bác dùng đủ thức ăn đã dọn, không bỏ phí, cho vui lòng người phục vụ, món nào không dùng thì để nguyên chứ không đụng đũa. Bác thường đợi đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ăn cùng, tự dọn bàn ăn khi ăn xong. Ðồng chí Thủ tướng cũng đã học Bác tác phong này. Ði ra nước ngoài cũng vậy, Bác yêu cầu mọi người ăn đủ no, hết từng món không được để thừa mứa.

Phương châm rèn luyện tác phong và thể dục, thể thao

Bác nói những điều rất đơn giản với anh em trong chi bộ: Cái gì cũng do quen. Cái khó khăn là cái chưa quen. Cứ làm cho quen rồi cứ thế mà tiến lên mãi. Khó là vì chưa quen, quen rồi không khó nữa.

Ðến 60 tuổi, Bác vẫn nhảy cao 1m20. Hồi ở chiến khu Việt Bắc, Bác trồng hàng rào râm bụt trước cửa nhà để ai ra vào cổng cũng đều phải nhảy qua. Bác có hòn đá nắm tay để rèn luyện gân tay chođến tháng cuối cùng. Hai hòn đá này Bác chọn ở Liên Xô và Trung Quốc. Bác kể, thói quen này có từ 60 năm trước khi Bác làm bồi bàn.

Hồi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang thăm, Bác có nhờ Trung Quốc cử một chuyên gia thái cực quyền. Sau đó, nước bạn đã cử người sang. Người tập đều đặn hai buổi ngày. Những buổi sáng mùa đông, khi sương mù phủ dày mặt hồ, Bác vẫn tập đều đặn. Cùng tập thái cực quyền với Bác còn một số người khác. Hai năm sau, các đồng chí ấy quên hết, chỉ riêng Bác còn nhớ và luyện tập thường xuyên.

Ngoài thể dục, thể thao, tập thái cực quyền, Bác còn đi bộ hằng ngày, ném bóng. Những năm về già, Bác dùng 20 quả bóng quần vợt ném vào cái sọt cách xa 6 m. Có hôm Bác ốm, bác sĩ cố ý đẩy lùi cự ly lại, Bác phát hiện ra và bắt để lại đúng chỗ. Mỗi khi quả bóng ném trúng sọt, Bác rất vui, có khi đạt 16/20 quả một ngày.

Sau mỗi buổi tập, Bác tự thay áo, tự dùng quạt nan để quạt lấy. Không bao giờ Bác để một đồng chí nào đứng trước mặt báo cáo công việc, Bác yêu cầu cùng ngồi nói chuyện thân tình như cha con, anh em.

Bác học ngoại ngữ bằng cách viết lên cánh tay những chữ cần học trong ngày. Học xong, hôm sau xóa đi viết tiếp. Bác bảo, "Bác đã học như thế ngay khi còn làm bồi bàn trên tàu, nay các chú có đủ điều kiện mà sao không chịu học?". Những năm tháng cuối đời, Người thường nói: "Phải tự lực, cái gì ỷ lại cũng thành quen, lười là không làm thêm gì được".

Bác sống với anh chị em trong cơ quan đầy tình thương yêu, bảo ban mọi người dẫu chức vụ cao thấp đều như nhau, không phân biệt. Bác không bao giờ cáu gắt nặng lời với ai nhưng rất nghiêm khắc. Bác luôn cặn kẽ tìm ra nguyên nhân của vấn đề để rút kinh nghiệm.

Có đồng chí bảo vệ tuy đã có vợ nhưng lại dán ảnh cô văn công ở đầu giường. Bác nhìn thấy và hỏi: "Ảnh thím ấy phải không?". Ðồng chí bảo vệ thật thà nói đó là ảnh cô văn công. Bác ôn tồn hỏi: "Nếu thím ở nhà cũng treo ảnh một thanh niên khác thì chú nghĩ sao?".

Sau khi nghe Bác hỏi vậy, anh này phải cất ảnh đó ngay. Bác lo lắng đến cả giấc ngủ, giờ nghỉ trưa của anh em. Từ 11 giờ 30 đến 2 giờ chiều là nghỉ trưa, Bác đi trên đường rải cuội mà tịnh không có tiếng động. Ði đâu về Bác cũng có quà và san sẻ đều cho tất cả mọi người.

Tháng 5-1969, đồng chí Trần Bửu Kiếm gửi từ Paris một hộp kẹo về biếu Bác. Bác chia đều cho tất cả. Bác thường nói: Không sợ nghèo, chỉ sợ không công bằng. Không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không yên.

Không có nhận xét nào: